Thị trường du lịch trực tuyến "Đất phù sa vẫn chờ nước ngọt"

Du lịch trực tuyến đang trở thành một lĩnh vực phát triển mạnh của thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo cơ hội không nhỏ cho các công ty du lịch lẫn công ty thương mại điện tử. Thế nhưng, phần lớn khách du lịch ra vào Việt Nam sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài. Thậm chí, lượng khách nội địa sử dụng dịch vụ của các sàn nước ngoài là cũng không nhỏ.

Vân Ly


Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017, khi đề cập đến chủ đề du lịch trực tuyến, các diễn giả đã dẫn số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy châu Á có 1,4 tỉ người ở độ tuổi dân số vàng từ (15-34), trong đó Ấn Độ có 459 triệu, Trung Quốc có 414 triệu, Indonesia có 85 triệu, Philippines có 35 triệu và Việt Nam có 32 triệu người. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho rằng dân số vàng có vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch. Tổ chức này cũng nhận định cuộc cách mạng công nghệ và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông xã hội là những yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch nói chung và lĩnh vực du lịch trực tuyến nói riêng trong những năm gần đây.
“Sự gia tăng mạnh mẽ của các nhóm khách lẻ sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến đã làm thay đổi đáng kể thị trường du lịch”, bản báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết. Điều này khiến cho các công ty du lịch phải đưa ra những giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm khách lẻ trong suốt thời gian du ngoạn của họ.

Lợi thế trong tay các “ông lớn”
Ở Việt Nam, lĩnh vực du lịch trực tuyến đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, VECOM nhận định lượng khách ra vào Việt Nam sử dụng dịch vụ của các sàn nước ngoài chiếm tỷ lệ rất lớn. Các nền tảng du lịch trực tuyến, đặc biệt là các nền tảng thuộc các công ty lớn của Mỹ, đang thống lĩnh thị trường này ở Việt Nam dựa trên những lợi thế về công nghệ, nguồn vốn, con người mà lại không phải đóng thuế.
Trao đổi với Thời báo Vi tính Sài Gòn, ông Ngô Minh Đức, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Du lịch và dịch vụ hàng không Hoàng Gia (Gotadi), nhận định Việt Nam thuộc khu vực các nền kinh tế năng động ở châu Á, dân số đông và trẻ, công nghệ Internet di động (3G, 4G) phát triển nhanh, lượng người sử dụng Internet và thời gian vào mạng trong ngày nhiều vào hàng đầu thế giới. Các yếu tố này tạo nên một môi trường lý tưởng cho du lịch trực tuyến phát triển.
“Du lịch trực tuyến là xu thế tất yếu và đã được khẳng định trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam đang là giai đoạn đầu của quá trình định hình, sàng lọc để đón đầu sự bùng nổ sắp tới. Hiện có khá nhiều công ty mới gia nhập thị trường, các công ty du lịch truyền thống cũng dần chuyển đổi phương thức kinh doanh sang trực tuyến”, ông Đức chia sẻ.
Ông Đức dẫn số liệu từ bản Báo cáo Kinh tế Đông Nam Á do Google và Temasek cùng thực hiện, trong đó dự báo Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng đột phá trong việc kinh doanh du lịch trực tuyến, với doanh thu từ 0,4 tỉ đô la Mỹ hiện tại lên 7,5 tỉ đô la vào năm 2025.
Sự tăng trưởng của thị trường du lịch trực tuyến ở Việt Nam trong những năm gần đây được lý giải là do nhiều yếu tố tạo thành: nền kinh tế Việt Nam và khu vực châu Á duy trì được mức tăng trưởng khá cao, sự gia tăng của tầng lớp dân cư trung lưu, sự phát triển khá mạnh của các hãng hàng không giá rẻ cùng nền công nghiệp Internet. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục được lựa chọn là một trong những điểm đến an toàn, lượng khách du lịch quốc tế đến đây năm 2016 tăng hơn 20% so với năm 2015.
Nhiều tiềm năng là vậy nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhiều đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency – OTA) dày dạn kinh nghiệm, thị trường vẫn là “sân chơi” của nhóm công ty lữ hành truyền thống (Tour Operator – TO) và các đại lý du lịch (Tour Agency - TA).  Nhóm TO là các doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ lữ hành như Saigontourist, Vietravel, Hòa Bình, Hoàn Mỹ…, còn nhóm TA được xem là cánh tay nối dài của nhóm TO trong việc bán lẻ các chuyến (tour) du lịch đến tay khách như Chudu24, iVivu... Các trang web thuộc nhóm TO này chỉ dừng ở mức liệt kê sản phẩm và dịch vụ, chưa hỗ trợ thanh toán trực tuyến và xác nhận chỗ tức thời cho khách hàng.
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã thúc đẩy sự ra đời của các OTA nội địa, bởi mô hình này giúp các doanh nghiệp du lịch tận dụng lợi thế của công nghệ để tiết kiệm chi phí về nhân sự và mặt bằng. Du lịch trực tuyến gồm nhiều mảng kinh doanh như nhận đặt phòng khách sạn (vntrip.vn), đặt vé máy bay (abay.vn, atadi.vn), đặt xe ô tô (vivu.vn, dichung.vn) hoặc dịch vụ trọn gói bao gồm cả phòng nghỉ, phương tiện đi lại, tư vấn hành trình… (gotadi.vn, tugo.com.vn, tripi.vn, vietnamuniquetour.com). Trong đó, mảng kinh doanh sôi động nhất hiện nay là dịch vụ nhận đặt phòng khách sạn trực tuyến, với cán cân nghiêng hẳn về doanh nghiệp nước ngoài. Sự xuất hiện của những gương mặt mới như Traveloka, Trivago... thật ra là cuộc tranh giành thị phần từ các gương mặt kỳ cựu đang dẫn đầu thị trường là Agoda.com và Booking.com, hơn là cạnh tranh trực tiếp với nhóm doanh nghiệp nội địa. 
Các số liệu từ VECOM cũng cho thấy Agoda và Booking là hai OTA dẫn đầu và chiếm hơn 80% thị trường đặt phòng trực tuyến ở Việt Nam. Hai thương hiệu quốc tế này đang chiếm lĩnh cả hai mảng: khách Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước và khách nước ngoài du lịch đến Việt Nam. Theo các số liệu thống kê không chính thức, Agoda hiện có hơn 7.600 khách sạn đối tác ở Việt Nam, và ở Booking con số này là hơn 6.000.
Thị phần đặt phòng trực tuyến tại các khách sạn ở Việt Nam cũng đang tăng nhanh, chiếm 30-40% tổng lượng khách ở mỗi khách sạn. Thậm chí, tỷ lệ này có thể lên đến 80% ở một số khách sạn trong những mùa du lịch cao điểm.

Kỳ vọng vào sự hoàn thiện của chính sách
Nhiều vị đại diện doanh nghiệp du lịch trực tuyến trong nước tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017 nói rằng để họ có đủ sức cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài, Nhà nước cần tạo ra “sân chơi” công bằng cho tất cả các doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp du lịch trực tuyến nước ngoài đang kinh doanh và có doanh thu hàng ngàn tỉ đồng tại Việt Nam nhưng họ không đóng một đồng thuế nào trong khi các doanh nghiệp nội địa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế với Nhà nước. Lợi thế này giúp doanh nghiệp nước ngoài có thêm vốn để đầu tư cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo, xây dựng thương hiệu… và họ có năng lực tài chính trong việc đưa ra mức chiết khấu cao với đối tác, từ đó chiếm ưu thế trong việc cạnh tranh”, ông Đức của Gotadi nói với Thời báo Vi tính Sài Gòn.
Cũng chính vì điều này, nhiều doanh nghiệp trong nước khuyến nghị cơ quan quản lý chuyên ngành cần xây dựng hàng rào kỹ thuật, qua đó khuyến khích doanh nghiệp nội địa phát huy lợi thế sân nhà, tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới. Một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc làm rất tốt điều này. Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa bằng cách định hướng về quy hoạch phát triển ngành, nguồn vốn vay, chương trình đào tạo… để giúp họ tăng sức cạnh tranh. Hiện tại, lĩnh vực du lịch trực tuyến được xem như mảnh đất phù sa nhưng vẫn chờ nguồn nước ngọt là cơ chế chính sách để duy trì sự màu mỡ.
Tại cuộc thảo luận ở hội trường Quốc hội nhằm góp ý cho dự án Luật Du lịch (sửa đổi) vào ngày 29-5 vừa qua, bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, đại biểu Quốc hội từ Hà Tĩnh, cho rằng bản dự thảo có điểm hạn chế là không đề cập đến nội dung phát triển du lịch trực tuyến. Không thể phủ nhận tính tiện ích của công nghệ trong việc hỗ trợ du khách đặt phòng nghỉ một cách dễ dàng thông qua các phần mềm ứng dụng. Kinh doanh du lịch trực tuyến đang trở thành một lĩnh vực có tiềm năng phát triển trong ngành công nghiệp không khói. “Do đó, thiếu nội dung du lịch trực tuyến thì bản dự thảo luật sẽ khuyết một phần cơ bản trong ngành kinh doanh du lịch hiện đại”, bà Thơ nói. 
Vẫn theo bà Thơ, lời giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hoạt động kinh doanh trực tuyến đã được điều chỉnh bởi pháp luật về thương mại điện tử là chưa thỏa đáng bởi để mang tính hệ thống và đầy đủ thì bản dự thảo Luật Du lịch cũng nên quy định việc kinh doanh trực tuyến là một trong những loại hình kinh doanh trong Chương V về kinh doanh du lịch. Nếu như điều này được điều chỉnh bởi pháp luật về thương mại điện tử rồi thì bản dự thảo luật có thể đề cập đến loại hình kinh doanh du lịch trực tuyến nhưng sẽ dẫn chiếu sang Luật Thương mại điện tử. “Có như vậy, bản dự thảo luật mới vừa mang tính hệ thống, phản ánh đầy đủ các nội dung của kinh doanh du lịch hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển vừa không bị trùng lặp, xung đột với các luật khác,” bà Thơ nhấn mạnh. 
Trao đổi với Thời báo Vi tính Sài Gòn, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, cũng nhấn mạnh vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế Việt Nam (chiếm khoảng 7% GDP của quốc gia) và sự kỳ vọng rằng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều mong muốn này sẽ trở thành khả thi với tiềm năng của Việt Nam. Song, theo ông Hưng, Việt Nam cần làm nhiều việc, trong đó không được bỏ qua chính sách phát triển du lịch trực tuyến.
Việc phát triển du lịch trực tuyến tuy có nhiều cơ hội song cũng gặp không ít sự thách thức trong công tác quản lý, điều hành. Do đó, Nhà nước cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược và chú ý thỏa đáng tới loại hình du lịch trực tuyến. Chính sách luật pháp cần có sự bổ sung hay sửa đổi kịp thời để khuyến khích và quản lý được du lịch trực tuyến giúp ngành kinh doanh này phát huy lợi thế và hạn chế rủi ro.


Trong năm 2016, eMarketer ước tính doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu tăng 13,8% và đạt khoảng 565 tỉ đô la Mỹ. Thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ La tinh góp phần chủ yếu cho sự tăng trưởng nhanh này. Bắc Mỹ vẫn là thị trường du lịch trực tuyến lớn nhất năm, nhưng từ năm 2017 này, châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm ngôi đầu. Sự tăng trưởng nhanh chóng của du lịch trực tuyến ở Trung Quốc là động lực chính cho sự thay đổi này.

 

Theo Thời báo Vi tính Sài Gòn – Phụ bản của Thời báo Kinh tế Sài Gòn