Tìm cách khai thác “mỏ vàng” du lịch trực tuyến

Theo một cuộc khảo sát do Google và Temasek (Singapore) thực hiện vào năm 2016 về thị trường du lịch trực tuyến Đông Nam Á, Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng đột phá trong lĩnh vực kinh doanh khá mới mẻ này. Cụ thể, thị trường từ 0,4 tỉ đô la sẽ tăng lên 7,5 tỉ đô la vào năm 2025 và xu hướng đặt chỗ trực tuyến thông qua điện thoại thông minh (smartphone) sẽ tăng lên hằng năm. Các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực để khai thác mảnh đất đầy tiềm năng này.

Nguyễn Oanh 

Hãng nghiên cứu Statista cũng vừa công bố một bản báo cáo về lĩnh vực du lịch trực tuyến, theo đó thị trường toàn cầu trong năm 2016 vào khoảng 175 tỉ đô la. Thị trường này đang có sự cạnh tranh ráo riết giữa các thương hiệu lớn như Expedia, Ctrip, Priceline, Booking, Hotels, Agoda và Airbnb. Ở Việt Nam, Agoda.com và Booking.com đang chiếm lĩnh phần lớn miếng bánh thị trường đặt phòng trực tuyến và đang so kè từng bước một với nhau. Tuy nhiên, cả hai thương hiệu này đều có chung một công ty sở hữu là The Priceline Group (Mỹ). Sân chơi toàn cầu hiện cũng có sự thay đổi, từ hai cái tên thống trị trước đây là Expedia và Priceline của Mỹ, nay có thêm người khổng lồ Ctrip đến từ Trung Quốc.

Tìm cơ hội từ sự khác biệt
Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch và Thương mại Việt Nam Adventure Tours, chủ sở hữu của 
Tugo.com.vn, là một công ty du lịch trực tuyến được thành lập cách đây ba năm với các thành viên là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm về kinh doanh du lịch và tiếp thị trực tuyến. Tugo được giới trong nghề đánh giá là có thế mạnh trong hoạt động đưa khách du lịch Việt sang Hàn Quốc. Ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc về tiếp thị của Tugo, cho biết kết quả này có được là nhờ vào việc công ty đẩy mạnh mảng du lịch trực tuyến bên cạnh mảng du lịch lữ hành truyền thống. Hiện Tugo đang bán các tour du lịch trực tuyến do chính  công ty thực hiện hoặc phối hợp với đối tác cùng tổ chức với mức giá cạnh tranh.
Vào đầu tháng 6 năm nay công ty đã mở cửa văn phòng mới tại Hà Nội, sau ba văn phòng tại TPHCM, trong mục tiêu phát triển thị trường rộng ra khắp cả nước. Việc tham gia vào lĩnh vực nhận đặt phòng đã nằm trong kế hoạch của công ty, nhưng trước hết Tugo.com.vn phải có lượng khách hàng đủ lớn. Năm ngoái, đơn vị này đã cán mốc 60.000 lượt khách du lịch và hiện đang phấn đấu đạt con số 100.000 trong năm nay. Trong tương lai, Tugo nhắm đến mục tiêu mở một sàn du lịch trực tuyến, tương tự một đại lý cấp 1 chuyên cung cấp vé máy bay, phòng khách sạn… cho các công ty du lịch. Khi đó, Tugo sẽ mua dịch vụ theo gói từ các đối tác lớn như hãng hàng không, khách sạn, khu nghỉ dưỡng rồi bán lẻ cho các công ty du lịch quy mô nhỏ. 
Vào giữa năm ngoái, sàn du lịch trực tuyến Tripi.vn do Công ty cổ phần Phát triển Công nghệ Thương mại và Du lịch phát triển đã đi vào hoạt động, chuyên cung cấp các tour du lịch và dịch vụ đặt phòng trực tuyến cho khách hàng Việt Nam. Trên nền tảng Tripi, các khách sạn, hãng hàng không sẽ giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ của mình đến người sử dụng. Tripi cho phép so sánh sản phẩm từ các trang web đặt phòng khách sạn trực tuyến lớn và thông dụng của nước ngoài hiện nay như Agoda.com, Booking.com, Hotels.com… Người tiêu dùng có nhu cầu đi du lịch chỉ cần gõ tên điểm đến, ngày khởi hành và kết thúc lịch trình, Tripi sẽ cung cấp thông tin về các tour của các hãng lữ hành tham gia giao dịch trên sàn để khách so sánh và đưa ra sự lựa chọn phù hợp. Khách hàng khi sử dụng dịch vụ qua Tripi không phải trả phí mà chính các nhà cung cấp dịch vụ phòng ở, tour hoặc vé phương tiện vận chuyển sẽ trả phí cho Tripi nếu cuộc giao dịch thành công.
Ông Trần Bình Giang, người đại diện của Tripi.vn, cho biết công ty đã xây dựng nên sàn giao dịch này khi nhìn thấy sự chuyển dịch trong nhu cầu du lịch của khách hàng trong nước. Nhiều người tiêu dùng thay vì mua các tour đi theo đoàn và sử dụng dịch vụ trọn gói đã chuyển sang việc tự lên kế hoạch cho các chuyến đi của gia đình hay nhóm bạn bè của mình. Tripi được cho ra đời với mục tiêu hỗ trợ người tiêu dùng các công cụ tiện ích trong việc lên kế hoạch cho chuyến đi. Tripi đã được trao giải thưởng tại cuộc bình chọn Nhân tài Đất Việt 2016. 
Một trong những điểm khác biệt của Tripi.vn là cung cấp sản phẩm từ nhiều nguồn và nhiều nhà cung cấp khác nhau, kết hợp với tính năng so sánh giá, cho người sử dụng tìm thấy nơi bán sản phẩm, dịch vụ với mức giá thấp hơn những nơi khác mà vẫn bảo đảm tính xác thực. Hiện sàn giao dịch này đang cung cấp gói dịch vụ mang tên Holidays combo, gồm vé máy bay, khách sạn và xe đi lại với các mức giá linh hoạt. Tripi cũng tích hợp công nghệ tìm kiếm thông minh để đưa ra sự gợi ý về thời điểm mà giá của gói dịch vụ là tốt nhất, nhằm giúp khách tiết kiệm 10-30% kinh phí. 
So với những người khổng lồ trong mảng so sánh giá khách sạn, vé máy bay, Tripi tập trung vào thị trường Đông Nam Á và muốn trở thành công ty chuyên về gói sản phẩm tổng hợp (combo).
Ra đời trước Tripi.vn, Gotadi.com bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2014, là trang web nhận đặt vé máy bay, khách sạn và tour du lịch. Đây có thể xem là một hệ thống tìm kiếm, thanh toán và đặt chỗ hoàn toàn tự động, có kết nối với 900 hãng hàng không toàn cầu, hơn 2.000 khách sạn trong nước, 400.000 khách sạn quốc tế cùng với nhiều nhà cung cấp tour du lịch đa dạng. 
Gotadi được hậu thuẫn bởi HG Holdings – công ty chuyên quản lý và đầu tư trong lĩnh vực lữ hành và du lịch tại khu vực Đông Dương. Vì HG là tổng đại lý bán vé của nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới và Việt Nam nên Gotadi có ưu thế khá lớn tại thị trường nội địa. Công ty cho biết hiện đã có hơn 200.000 lượt khách hàng trong nước sử dụng dịch vụ của mình. 
Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Gotadi, nói rằng “cuộc chơi” về công nghệ trong thị trường trực tuyến đòi hỏi thời gian và nguồn vốn lớn, và dẫn chứng các sàn thương mại điện tử nội địa lớn như Tiki.vn, Sendo.vn đang phải gồng mình chịu lỗ cho mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài thì công nghệ vẫn luôn là danh mục đầu tư tiềm năng. Gotadi xác định công ty đang trong quá trình đầu tư để đón làn sóng mạnh mẽ của du lịch trực tuyến trong tương lai.
Được thành lập vào năm 2008, Chudu24.com được xem là một trong những sàn du lịch trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, đến nay sàn đã liên kết với hàng ngàn khách sạn trong nước và hàng trăm ngàn khách sạn quốc tế. So với những trang web toàn cầu, Chudu24 có lợi thế về sự am hiểu thị trường nội địa, với giao diện tiếng Việt dễ sử dụng. Chudu24 không chỉ chấp nhận các loại thẻ thanh toán quốc tế mà còn cho phép khách thanh toán trực tuyến bằng các loại thẻ nội địa và còn có dịch vụ thu tiền tại nhà của  khách hàng.
Tổng giám đốc của Chudu24 là ông Trần Minh Phương, một người từng đi tu nghiệp tại Úc và có nhiều kinh nghiệm trong ngành du lịch. Trước khi thành lập Chudu24, ông Phương từng là sáng lập viên của một công ty du lịch trực tuyến. Là đồng sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành của Chudu24, bà Đặng Phương Dung cũng là một người có nhiều kinh nghiệm về quản lý trang web thương mại điện tử, mạng xã hội.

Hướng đến thị trường nước ngoài
Vào năm ngoái, Vntrip.vn đã gây sự chú ý trong ngành du lịch khi được hai quỹ đầu tư Fenghe Group và Hancock Revocable Trust rót 3 triệu đô la. Việc nhận vốn ngoại cũng góp phần xác định mục tiêu vươn ra thế giới của ứng dụng đặt phòng trực tuyến này. 
Trong các trang web du lịch trực tuyến do người Việt sáng lập, Triip.me là trang chỉ sử dụng tiếng Anh trên giao diện (không có giao diện tiếng Việt), cung cấp dịch vụ theo mô hình tương tự như mô hình của GrabTaxi và Uber, đó là cung cấp nền tảng kết nối người bán và người mua. Triip.me, được thành lập vào năm 2013, là nền tảng du lịch trực tuyến giúp kết nối du khách với người dân địa phương trên toàn thế giới. Ý tưởng này đã gọi được 500.000 đô la vốn đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc là Gobi Partners.
Không chỉ giới hạn tại Việt Nam, Triip.me đã mở rộng phạm vi hoạt động ra gần 100 quốc gia trên toàn thế giới. Thông qua trang web hoặc ứng dụng di động, Triip.me cho phép mọi người cùng tham gia vào các tour du lịch, họ chia sẻ về cuộc sống và các câu chuyện cá nhân với khách du lịch.
Triip.me cho phép bất kỳ người nào cũng có thể tạo ra các tour du lịch để bán. Không giống các công ty du lịch truyền thống chuyên thiết kế các tour phù hợp với mọi người, đi đến các địa điểm nổi tiếng và đông đúc, Triip.me có các tour được tạo ra bởi người bản địa, những người được gọi là Triip Creator.
Đã có hàng chục ngàn du khách sử dụng Triip.me và hàng chục Triip Creator trên toàn thế giới tham gia vào nền tảng này, cùng số lượng tour du lịch được thực hiện lên đến hàng chục ngàn. Với mỗi tour thành công, Triip.me được hưởng một khoản 10% tổng chi phí, đây cũng là nguồn thu chính của dự án khởi nghiệp này.
Do bất kỳ ai cũng có thể tạo một tour tham quan nên các chuyến du lịch của Triip.me được cho là độc đáo và có tính sáng tạo hơn của các công ty du lịch. Khách du lịch có thể chèo thuyền nhỏ để khám phá các chợ nổi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng với người bản địa, hoặc đi sâu hơn vào các hẻm hóc đông đúc, ồn ào ở Hà Nội để thăm các công trình kiến trúc cổ do các sinh viên làm hướng dẫn viên.
Lúc đầu, Triip.me khởi đầu với việc bán các tour trên khắp Việt Nam, vốn vẫn đang là một thị trường rất tiềm năng, rồi sau đó mở rộng ra các thành phố khác trên thế giới.
Các Triip Creator hầu hết đều có nghề nghiệp, làm hướng dẫn viên như nghề tay trái. Họ làm vì sở thích và muốn kiếm thêm thu nhập nên cố gắng để khách du lịch có được những sự trải nghiệm độc đáo.
Triip.me cho rằng họ đang làm thay đổi cách mọi người du lịch trên thế giới, tạo việc làm cho người bản địa và giúp các thành phố bảo tồn văn hóa địa phương. Mọi chương trình du lịch được bán trên Triip.me đều được kiểm tra kỹ về mặt hướng dẫn viên. Triip.me yêu cầu các Triip Creator cung cấp giấy tờ tùy thân như hộ chiếu hoặc chứng minh thư. Triip.me cũng kiểm tra được các địa điểm mà hướng dẫn viên dẫn khách đi theo thời gian thực thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh.
Triip.me cam kết tiền khách trả sẽ được lưu lại, chỉ chuyển cho Triip Creator sau khi chuyến tham quan kết thúc và khách hài lòng. Triip.me cũng cung cấp hệ thống đánh giá hai chiều, nhằm loại bỏ những khách tham quan hay hướng dẫn viên có hành vi cư xử không tốt. Sở dĩ có được những sự sáng tạo như trên là bởi được hình thành bởi những người có thâm niên trong ngành du lịch và biết tận dụng cơ hội mà môi trường trực tuyến mang lại cho ngành du lịch.

Tận dụng cơ hội từ du lịch trực tuyến
Các chuyên gia thương mại điện tử cho rằng để du lịch trực tuyến phát triển, các doanh nghiệp trong ngành cần “bắt tay” nhau để chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác về truyền thông để nâng cao niềm tin của khách hàng vào loại hình dịch vụ này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch truyền thống cũng cần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến như đẩy mạnh việc bán hàng trên trang web của doanh nghiệp mình, đẩy mạnh khâu truyền thông, tiếp thị về sản phẩm của mình trên môi trường trực tuyến, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm…
Các doanh nghiệp du lịch truyền thống cũng cần nhanh chóng nhận thức và nắm bắt cơ hội mà du lịch trực tuyến mang lại. Đừng để “nước đến chân mới nhảy” như bài học với ngành taxi truyền thống, khi gặp sự cạnh tranh mang tính sống còn từ các nền tảng chia sẻ xe mới bắt đầu thay đổi cách thức kinh doanh. Sự cải tiến phương thức kinh doanh là nhằm nắm bắt cơ hội từ du lịch trực tuyến và cũng nhằm cung cấp đến khách hàng những dịch vụ có chất lượng cao hơn.
Một trong những điểm hạn chế của các nền tảng trực tuyến quốc tế như Booking.com, Agoda.com hay Hotels.com là bộ phận chăm sóc khách hàng ở Việt Nam không hoàn chỉnh như các công ty nội địa. Và đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, dù việc đầu tư cho nhân lực sẽ làm chi phí tăng cao hơn, lợi nhuận vì thế cũng bị ảnh hưởng. Thế nhưng, theo các chuyên gia, sự đầu tư này là đáng giá vì trong ngành công nghiệp không khói, doanh nghiệp nào giành được lòng trung thành của khách hàng thì sẽ có cơ hội thành công nhiều hơn. 
 

Theo Thời báo Vi tính Sài Gòn – Phụ bản của Thời báo Kinh tế Sài Gòn